Tạ mộ cũng là dịp cả nhà cùng nhau đi thăm viếng mộ phần người đã khuất, là hoạt động thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên – là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam nhằm nhắc nhở con cháu về đạo lý “chim có tổ, người có tông” của cha ông ta bao đời nay.
Theo phong tục thì lễ tạ mộ được coi như một ngày giỗ chung cả tổ tiên, dòng tộc. Khi các thành viên đi tạ mộ, thì ở nhà sẽ có những người chuẩn bị sẵn mâm cúng để dâng lên các chư vị tiên linh.
Khi đi tạ mộ, bên cạnh việc chăm sóc cho mồ mả của gia đình thì mọi người cũng sẽ cùng nhau để ý đến những ngôi mộ hoang không có người chăm sóc.
Tháng Chạp còn 3 ngày tốt đi tạ mộ
Tạ mộ thường làm từ 20 tháng Chạp đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch, tùy phong tục tập quán và văn hóa của từng vùng miền mà thời gian tạ mộ có khác. Gia chủ có thể tham khảo ngày tốt – ngày xấu trong tháng Chạp và chọn ra ngày phù hợp với gia đình để tiến hành lễ tạ mộ cho thuận.
Từ nay tới 30 tháng Chạp còn 3 ngày đẹp nhất để làm lễ tạ mộ, giúp con cháu được tổ tiên phù hộ, năm sau tài lộc tốt hơn năm trước là:
– Ngày 24 tháng Chạp (15/1/2023)
– Ngày 26 tháng Chạp (17/1/2023)
– Ngày 28 tháng Chạp (19/1/2023)
Không có quy định cụ thể về ngày tạ mộ nên gia chủ có thể chọn ngày cho phù hợp với gia đình.
Lưu ý:
– Các ngày 23, 29 và 30 tháng Chạp là những ngày bình thường.
– Khoảng thời gian từ nay tới 30 tháng Chạp có 3 ngày xấu: Ngày 22, 25 và ngày 27 âm lịch (ngày 22 và 27 âm lịch là ngày Tam nương).
Lễ vật cần có khi đi tạ mộ
Một số lễ vật cơ bản cần có khi đi tạ mộ là hương/nhang, đèn/nến, trà, rượu, nước, tiền vàng, trầu cau, trái cây… Nếu có điều kiện thì có thể chuẩn bị cả mâm lễ chay (oản, gạo, muối, chén mật, xôi chè, bỏng…) và lễ mặn (chân giò, gà luộc, giò, rượu…).
Về việc cúng lễ chay hay lễ mặn sẽ phụ thuộc vào quan niệm của từng gia đình, nhưng ngày này nhiều nhà tạ mộ cúng lễ chay để hạn chế sát sinh, nhằm giúp các vong linh dễ siêu thoát hơn.
Sau khi làm lễ tại miếu Thần linh xong ra ngoài mộ (từng mộ) thắp hương mời gia tiên về nhà ăn tết. Không nên mang hoa quả thực phẩm ra các mộ để làm lễ – chỉ cần hương, hoa hoặc một chút tiền vàng tượng trưng (nếu có) là được.
Những lưu ý quan trọng khi đi tảo mộ cuối năm
– Tảo mộ vào giờ nào tùy vào điều kiện, thời tiết thuận lợi, và sức khỏe cho phép. Nhưng tốt nhất nên chọn ngày tạnh ráo, ấm áp.
– Dịp này cha mẹ hay cho trẻ đi theo tảo mộ, trước là để biết dần vị trí phần mộ, sau là tập cho trẻ kính trọng, hiếu đễ tổ tiên. Vì vậy cần tránh đi tảo mộ quá sớm bởi lúc đó sương đêm chưa tan. Cũng không nên đi quá muộn bởi chiều tối và đêm âm khí nặng nề, không tốt cho sức khỏe.
– Khi thời tiết mưa gió, sấm chớp thì không nên đi tảo mộ.
– Nghi lễ tảo mộ không nên làm linh đình, tốn kém để khoe mẽ. Cũng không nặng về hình thức, đốt vàng mã lớn kiểu mê tín.
– Không nên ăn đồ cúng ở nghĩa trang, vì dễ bị lạnh bụng, ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa (chưa kể đến vấn đề tâm linh).
– Không nô đùa, ngồi lên những ngôi mộ vì bị coi là bất kính.
– Không tranh thủ ngồi thiền, tập dưỡng sinh, thể dục ở đó vì uế khí dễ xâm nhập vào cơ thể.
– Đi tảo mộ về, nên hơ lửa hoặc tắm nước gừng để thanh lọc các âm khí bám vào người và quần áo…
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.