Trong cuộc sống này, đối diện với vô số chuyện không như ý, đối diện với những khác biệt, khuyết điểm của người khác, hay thậm chí của chính mình, đôi khi khiến ta không khỏi bực bội, vô cùng khó chịu. Làm sao có thể giữ được tâm thái bình hòa, bao dung hết thảy? 3 cánh cửa của Đức Phật dưới đây sẽ cho ta câu trả lời.

Trước đây có một vị hoàng tử, đã hỏi sư phụ của chàng là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: “Con đường nhân sinh trong tương lai của con sẽ như thế nào đây?”

Đức Phật trả lời rằng: “Trên con đường của nhân sinh, con sẽ gặp được ba cánh cửa, trên mỗi một cánh cửa đều có ghi một câu nói, đến lúc đó con nhìn rồi sẽ biết được thôi. Sau khi con đi qua cánh cửa thứ ba rồi, ta sẽ chờ con ở cánh cửa thứ ba bên kia”.

Thế là, hoàng tử đã lên đường. Không lâu sau, chàng đã gặp được cánh cửa thứ nhất, trên đó viết rằng: “Thay đổi thế giới”. Hoàng tử nghĩ: “Ta cần phải dựa theo lý tưởng của mình để thay đổi thế giới này, hết thảy những chuyện nhìn không thuận mắt sẽ thay đổi hết”. Thế là, chàng đã làm theo đúng như vậy.

Mấy năm sau, hoàng tử đã gặp được cánh cửa thứ hai, bên trên viết rằng: “Thay đổi người khác”. Hoàng tử nghĩa: “Ta cần dùng những tư tưởng tốt đẹp để giáo hóa mọi người, để cho tính cách của họ trở nên ngày càng ngay chính hơn”. Thế là, chàng đã thực hiện đúng như vậy.

Mấy năm sau, chàng đã gặp được cánh cửa thứ ba, trên đó viết rằng: “Thay đổi bản thân mình”. Hoàng tử nghĩ: “Mình cần phải khiến cho nhân cách của mình trở nên hoàn mỹ hơn mới được”. Thế là, chàng đã làm đúng như vậy.

Về sau, hoàng tử đã gặp được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chàng nói với Đức Phật rằng: “Con đã vượt qua ba cánh cửa trên con đường nhân sinh của con rồi, và cũng đã nhìn thấy khải thị được viết trên mỗi cánh cửa. Con đã hiểu được rằng thay đổi thế giới, không bằng thay đổi con người trên thế giới này; thay đổi người khác, không bằng thay đổi chính bản thân mình”.

Khải thị trên ba cánh cửa của Đức Phật - Bài học ý nghĩa về nhân sinhĐức Phật nghe xong mỉm cười, nói: “Có lẽ bây giờ con nên trở về. Con hãy trở về nhìn ba cánh cửa đó kỹ càng hơn nữa xem sao”.

Hoàng tử nghe lời Đức Phật đi trở về, từ đằng xa, chàng đã nhìn thấy được cánh cửa thứ ba, nhưng mà, nó lại khác với lúc chàng đến đây, chàng nhìn thấy điều được viết trên cánh cửa lại là “tiếp nhận bản thân mình”. Hoàng tử lúc này mới minh bạch vì sao khi chàng đang thay đổi chính mình, trong tâm lại luôn tự trách và khổ não. Chính là bởi vì chàng từ chối thừa nhận và tiếp thu khuyết điểm của bản thân mình, và luôn để mắt đến những sự tình mà chàng không làm được, từ đó mà quên mất những ưu điểm của bản thân. Thế là, chàng bắt đầu học cách yêu quý bản thân, chấp nhận bản thân mình.

Hoàng tử tiếp tục đi trở về, chàng nhìn thấy trên cánh cửa thứ hai viết “chấp nhận người khác”. Lúc này chàng mới hiểu rõ rằng chàng tại sao luôn bực tức khó chịu đầy mình. Chính là bởi vì chàng không chấp nhận sự khác biệt giữa người khác và bản thân mình, không nguyện ý lý giải và cảm thông cho thiếu sót của người khác. Thế là, chàng bắt đầu học cách khoan dung người khác.

Hoàng tử lại tiếp tục đi trở về. Chàng nhìn thấy trên cánh cửa đầu tiên viết rằng “chấp nhận thế giới”. Hoàng tử lúc này mới hiểu được rằng khi chàng thay đổi thế giới tại sao lại thất bại liên tục: Bởi vì chàng không chấp nhận sự thực là trên thế giới này có rất nhiều chuyện không thể theo ý mình; chàng luôn muốn bức ép người khác, kiểm soát người khác, mà xem nhẹ việc hoàn thiện bản thân mình. Thế là, chàng bắt đầu học cách lấy một trái tim rộng lớn để bao dung thế giới này.

Lúc này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chờ đợi ở đó, Ngài nói với hoàng tử rằng: “Ta nghĩ, bây giờ con ta biết cái gì là hài hòa và tĩnh lặng rồi.”

Câu chuyện ba cánh cửa nói với chúng ta rằng: Con người ta sống ở thế gian, nên nhận thức được ưu điểm và khuyết điểm của bản thân mình, hơn nữa phải không ngừng hoàn thiện chính mình, trở thành một người cao thượng và bao dung; cần có tấm lòng thoáng đãng cởi mở khi đối đãi với người khác, đặt mình vào hoàn cảnh người khác mà suy nghĩ, đâu đâu cũng kết duyên lành, không kết thù kết oán với người khác. Như vậy chúng ta mới có thể chung sống hòa thuận với mọi người, mới có thể trở thành một người thật sự có ích cho xã hội.