Đây là lần thứ 5 ông Oki Toshiyuki (83 tuổi) sang Việt Nam kể từ khi cậu con trai út của ông lập gia đình và chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai để định cư. Một ngày khi đang đi dạo quanh khu vực trung tâm quận 1, ông được một người đạp xích lô đẩy xe theo mời đi. Tới gần chợ Bến Thành, ông Toshiyuki đồng ý thuê người đàn ông này chở về khách sạn trên đường Tôn Đức Thắng.

Trên đoạn đường ngắn khoảng 1km với hơn 5 phút đạp xe, ông Toshiyuki đã rất cảm kích trước ý tốt của người chở xích lô và có ý định sẽ gửi anh 500.000 đồng để cảm ơn khi đến nơi. Tuy nhiên, theo thông tin trên các báo, người chạy xích lô chỉ thả ông gần khách sạn và tỏ ý đòi thêm khi ông Toshiyuki đang định đưa anh tờ 500.000. Trong lúc cụ ông Nhật Bản đang lóng ngóng để lấy thêm tiền đưa người đàn ông đạp xích lô, anh ta đã thò tay vào ví của ông, lấy hết 5 tờ 500.000 và 2 tờ 200.000 rồi bỏ đi. 

Ông Toshiyuki là người bị hại, nhưng khi được hỏi về vụ việc, ông đã liên tục nói: “Lỗi là tại tôi đã không hỏi giá trước khi lên xe”.

Cụ Oki Toshiyuki (ngoài cùng bên trái) cùng con cháu. (Ảnh: Từ nhân vật)

Sai là việc của người, xin lỗi là việc của ta

Đó là một nét văn hóa rất đặc trưng của người Nhật Bản: họ không chỉ xin lỗi vì mình đã sai, họ xin lỗi vì đã không thể làm tốt hơn, xin lỗi vì đã khiến người khác kỳ vọng vào mình, xin lỗi vì đã khiến người khác phải bận tâm đến mình, xin lỗi vì đã để người khác làm việc sai trái, xin lỗi vì đủ mọi thứ.

Nữ diễn viên Nhật Bản Reiko Takashima đã từng tổ chức họp báo để xin lỗi vì chồng cô, Noboru Takachi bị bắt vì tội tàng trữ ma túy. Cô cảm thấy mình đã không làm tròn trách nhiệm của một người vợ.

Có một phóng viên ảnh quốc tế đã từng kể một câu chuyện khiến cô ngỡ ngàng khi còn sinh sống tại Nhật Bản. Trong một lần bị lạc và buộc phải tìm nhà ga tàu điện khi không có bản đồ và không biết tiếng Nhật, cô đã nhờ một phụ nữ Nhật Bản giúp đỡ. Như phần lớn người Nhật khác, bà đã giúp đỡ nữ phóng viên ngay lập tức nhưng lại không biết tiếng Anh. Bà đã nói một câu gì đó trong đó có từ “Sumimasen”, nghĩa là xin lỗi.

Sau này, nữ phóng viên mới hiểu ra, người phụ nữ Nhật xin lỗi vì bà ấy không biết tiếng Anh, đã khiến cô phải vất vả để hiểu được bà. Bà ấy cũng có việc bận nên không thể trực tiếp đưa nữ phóng viên về tận khách sạn và cũng xin lỗi vì điều đó.

Một câu chuyện được biết đến rộng rãi hơn là của hãng Sony. Năm 2011, Sony đã phải xin lỗi vì cửa hàng online PSN bị hack, ảnh hưởng đến việc truy cập của khách hàng. Theo suy nghĩ thông thường, đây hoàn toàn không phải lỗi của Sony, thế nhưng với cách nghĩ luôn tìm ra khuyết điểm của bản thân trước để hoàn thiện mình, người Nhật cho rằng một doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì phải dự đoán và có biện pháp kiểm soát, khắc phục được mọi rủi ro có thể xảy ra. Lỗi của Sony là đã không thể kiểm soát được khả năng bị hack của cửa hàng online.

Những lời xin lỗi trong các câu chuyện trên đậm chất Nhật Bản, bởi nó là sự hối hận không phải chỉ vì làm việc sai trái gây tổn hại trực tiếp cho người khác, mà còn vì một sự thiếu hoàn thiện của bản thân. Trong tâm thức người Nhật, họ cho rằng đó là cơ hội để sửa chữa và đề cao đạo đức, nhân cách của mình. Và hơn thế nữa, vì sự thiếu chu toàn của mình mà người khác có cơ hội làm việc xấu, góp phần dẫn tới suy thoái đạo đức của họ và xã hội, thì đó là lỗi của mình.

Đó là một cấp độ cao hơn của sự tử tế: không phải chỉ là sống tốt làm tốt việc của bản thân, không xâm phạm tới người khác, mà còn là có trách nhiệm duy trì đạo đức xã hội. Đó không phải là việc bao đồng, cần có cái thế của người có địa vị, tiếng nói, hay việc của riêng các cơ quan chức năng. Bảo vệ đạo đức xã hội là việc của mỗi người, là việc ai cũng có thể làm được bằng cách ngăn chặn sớm những cơ hội làm điều sai trái của người khác.

Như Napoleon Bonaparte đã từng nói: “Thế giới phải chịu tổn thất rất lớn, không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”.

Lên án những việc làm sai trái là điều đương nhiên cần làm, nhưng ngăn chặn sớm bằng cách tự hoàn thiện mình và luôn nghĩ cho người khác trong mọi hành động, suy nghĩ, mới thật sự là việc triệt để và đòi hỏi dũng khí hơn cả. Bởi đó là khi ta quên đi được cái tôi, vì trách nhiệm với người mà không ngại nhận lỗi, không ngại sửa sai và không ngại mất mặt. Dũng khí là khi ta buông bỏ được tự ngã to lớn, khiêm nhường, cung kính ở thế thấp để luôn hướng lên trên, đề cao bản thân thành người tử tế hơn nữa.

Sai là việc của người, ta chẳng thể quản, nhưng xin lỗi và ngăn chặn sớm khả năng làm điều sai của người khác lại là trách nhiệm của ta. Cũng giống như câu chuyện về vị thiền sư cứu con rắn khi biết nó sẽ cắn mình: cắn người là thiên tính tự vệ của rắn, nhưng thiện lương là việc của người tu hành.

Xã hội tử tế sẽ sinh ra những người “thèm” làm việc tử tế

Và khi ở trong một cộng đồng luôn nghĩ cho người khác như người Nhật trong những câu chuyện trên, bạn sẽ “thèm” được làm người tử tế. “Vì bạn được nhận, được giúp quá nhiều” – tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh trong cuốn sách “Đến Nhật Bản học về cuộc đời” đã viết như vậy, kèm theo câu chuyện được thúc đẩy làm người tử tế của mình.

Một hôm đang đi trong nhà ga, cô ấy nhìn thấy một em nhỏ khoảng 3 tuổi đang được mẹ dắt đi và bé làm rơi chiếc thẻ lên tàu của mình. Đang xếp hàng lên thang cuốn nhưng Linh vẫn bỏ hàng, nhặt thẻ, chạy theo em bé để trả lại. “Khi tôi làm rơi găng tay, rơi mũ… lại có những người nhìn thấy nhặt lên và chạy theo để trả. Tử tế sẽ nhận được lòng tốt, nhận được lòng tốt rồi thì tiếp tục trả lại bằng sự tử tế, những đáp trả cứ thế tiếp nối nhau”.

Khi chính bản thân chúng ta luôn nỗ lực làm người tốt hơn nữa, luôn thấy thiếu sót của mình, luôn có trách nhiệm với người khác và nghĩ tới người khác trước khi nghĩ tới bản thân, thì chúng ta sẽ tạo ra một môi trường mà ở đó ai cũng muốn làm người tốt.

Hôm nay, thay vì trách móc, tủi thân vì chồng buông lời nặng nề khi mình đã cất công chuẩn bị cơm nước nóng hổi chờ anh ấy về, bạn hãy thử nghĩ xem có phải mình đã yêu cầu anh ấy đi đón con với giọng nói không đủ trân trọng trước đó? Thay vì tức giận và đòi bồi thường bằng được khi xe bạn bị xe khác đâm từ phía sau, hãy thử nghĩ xem liệu có phải vì mình dừng lại quá đột ngột khiến người sau không phản ứng kịp? Thay vì hậm hực vì mẹ cứ can thiệp vào chuyện gia đình bạn, hãy thử nghĩ xem liệu có phải vợ chồng bạn hay cãi vã khiến bố mẹ lo lắng không yên vì tương lai hạnh phúc của các bạn? Thay vì nói xấu cảnh sát giao thông rằng họ toàn ăn đút lót từ những người vi phạm, hãy thử nghĩ xem liệu có lúc nào bạn đã vì muốn được cho đi nhanh mà đưa họ tiền khi không cần hóa đơn nộp phạt?…

Chúng ta có lỗi, đó là cách nghĩ khiêm tốn để luôn trong tư thế sẵn sàng sửa chữa lỗi lầm và hành động trách nhiệm. Việc gì xảy ra xung quanh ta cũng là vì nó cần xảy ra, để ta hoàn thiện mình, để ta đáp lại những gì đã nhận được từ lòng tốt của người khác, và để ta trả những gì mình đã nợ khi làm điều sai trước đó.

Thuần Dương / DKN